Skip to content

Một số ví dụ về cách thiết kế hộp bao bì không hiệu quả (Phần 2)

14 lượt đọc

Hộp bao bì sẽ không thu hút được khách hàng hoặc mang lại trải nghiệm không tốt nếu thương hiệu lạm dụng bao bì truyền thống, bao bì quá nhiều lớp hoặc quá chắc chắn,...

Lạm dụng hộp đựng truyền thống

Hộp đựng được sử dụng để chứa trực tiếp sản phẩm (đặc biệt khi sản phẩm ở dạng lỏng, dạng bột hoặc bao gồm nhiều miếng nhỏ) và phần hộp này được thiết kế để có thể tái sử dụng trong suốt vòng đời của sản phẩm. 

Ngoài việc chứa sản phẩm, hộp đựng cũng phải phải thể hiện những hình ảnh, thông tin giới thiệu và mô phỏng về sản phẩm, chẳng hạn như sản phẩm là gì và công dụng của nó mang tới cho người mua. Từ đó cho thấy hình thức của hộp cũng là công cụ giúp bán sản phẩm, nhưng cũng từ đây phát sinh những trường hợp doanh nghiệp lạm dụng thiết kế bao bì để quảng cáo sản phẩm.

Một trong những vấn đề chính khi lạm dụng hộp đựng truyền thống là lãng phí nguyên liệu. Các thương hiệu thường lựa chọn làm hộp giấy bằng giấy hoặc bìa carton và khi thiết kế quá lớn so với sản phẩm bên trong, sẽ dẫn đến lãng phí vật liệu không cần thiết. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn góp phần vào việc tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên và gia tăng lượng rác thải. Như ví dụ dưới đây về chiếc hộp đựng đĩa sản phẩm phần mềm không thực sự có đĩa, chiếc hộp đựng đĩa trống chỉ in hướng dẫn cài đặt phần mềm thông qua một nền tảng khác, đây có thể là một ý tưởng mới lạ nhưng cũng làm lãng phí tiền bạc và lãng phí nhựa.

Hộp bao bì đĩa phần mềm nhưng không thực sự có đĩa
Hộp bao bì đĩa phần mềm nhưng không thực sự có đĩa

Lớp bao bì bổ sung cho từng sản phẩm trong hộp đựng

Sản phẩm bên trong hộp đựng thường được bọc thêm một lớp nữa để giữ độ tươi, tránh vi trùng và cho khách hàng biết rằng sản phẩm vẫn chưa bị mở. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng bắt buộc phải có thêm lớp bao bì này, chẳng hạn như các sản phẩm có hình dạng đồng nhất từ vật liệu khô như nhựa, gỗ, đá,... 

Việc sản xuất bao bì riêng cho từng sản phẩm trong hộp đựng nên áp dụng hạn chế đối với các sản phẩm có kích thước lớn, sản phẩm sử dụng một lần và sản phẩm được mua riêng lẻ. 

Bên cạnh đó, vì hầu hết lớp bao bì thêm này thường làm bằng nhựa và nilon nên có thể làm cản trở việc điều chỉnh độ ẩm và oxy, thúc đẩy quá trình hỏng của sản phẩm, đồng thời cũng gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đối với những sản phẩm rời (chẳng hạn như thảo mộc hoặc các loại thực phẩm),bạn nên ưu tiên sản xuất bao bì mang tính tự nhiên và tốt cho sức khỏe hơn, chẳng hạn như túi giấy

Vỏ hộp quá chắc chắn

Các doanh nghiệp sản xuất bao bì với mục tiêu bảo vệ sản phẩm bên trong an toàn và nguyên vẹn xuyên suốt quá trình vận chuyển, bày bán và sử dụng. Tuy nhiên một số nhà sản xuất đã làm hộp bao bì quá chắc chắn khiến người dùng gặp nhiều khó khăn để bóc được sản phẩm ra, gây ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm người dùng. Thông thường người dùng sẽ muốn giữ lại chiếc hộp nguyên vẹn để đựng sản phẩm trong quá trình sử dụng nhưng khi phải bỏ quá nhiều công sức để mở hộp, chiếc hộp thường không còn nguyên vẹn và thậm chí là bị rách nham nhở, gây mất thẩm mỹ và không còn giá trị sử dụng.

Thiết kế nhãn bao bì không hiệu quả

Thiết kế nhãn mác của bao bì không chỉ làm cho sản phẩm trông đẹp mắt mà còn truyền tải được những thông tin quan trọng về sản phẩm tới khách hàng. Thiết kế nhãn mác cũng thể hiện cho chất lượng của sản phẩm, tương tự như khi so sánh một chiếc hộp có nhãn mác bắt mắt và chi tiết với một chiếc hộp không có nhãn mác. Tuy nhiên, việc thêm nhãn mác khi sản xuất bao bì cũng có thể tạo ra ảnh hưởng không tốt nếu nhãn mác không được thiết kế cẩn thận.

Kiểu chữ

Kiểu chữ, hoặc phông chữ, bị lạm dụng quá mức hoặc mang tính trang trí quá mức có thể tạo cảm giác lòe loẹt, không chuyên nghiệp. Kiểu chữ cũng được sử dụng để phân biệt giữa các dòng văn bản, truyền đạt mức độ quan trọng thông qua hệ thống phân cấp trực quan. Khi để tất cả nội dung trên nhãn mác đều cùng một kiểu chữ và cỡ chữ khiến người dùng không phân biệt được đâu là thông tin cần ưu tiên xem trước, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Các kiểu phông chữ khác nhau sẽ phù hợp với những lĩnh vực và trường hợp sử dụng khác nhau. Chẳng hạn như phông chữ Serif hoặc Script thường thấy trên nhãn mác sản phẩm thời trang và làm đẹp, trong khi kiểu chữ Sans Serif thường bắt gặp khi in nhãn mác sản phẩm công nghệ, thể thao,...

Thương hiệu cũng có thể thay đổi màu chữ để phân cấp thông tin trên nhãn mác. Tuy nhiên, việc thay đổi màu sắc thường là thay đổi độ đậm nhạt, độ tương phản,... của một đến hai mã màu, tránh để quá nhiều màu gây cảm giác rối mắt, khó đọc thông tin.

Màu sắc

Màu sắc có thể làm cho thiết kế nhãn mác bao bì trở nên nổi bật về tổng thể nhưng bạn không nên lựa chọn màu sắc bao bì quá tùy tiện, thay vào đó bạn nên chọn những màu sắc phản ánh cho sản phẩm bên trong. Hiểu đơn giản thì các nhà sản xuất sẽ không để sơn đỏ trong hộp bao bì và nhãn mác màu xanh hoặc in nhãn mác hộp cà phê mà không có màu nâu.

Do màu sắc thường gắn với những ý nghĩa nhất định nên để truyền đạt bản chất của sản phẩm hiệu quả, bạn cần lựa chọn những màu sắc phù hợp. Đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống, màu sắc nên được sử dụng một cách tự nhiên, chẳng hạn như màu đỏ cho dâu tây hoặc màu vàng cho mật ong, để khách hàng có thể tìm thấy sản phẩm mong muốn nhanh chóng hơn. Đối với các sản phẩm khác, bạn nên chọn màu sắc mang lại cảm giác liên quan tới công dụng của sản phẩm, chẳng hạn như các sản phẩm cho mùa hè như kem chống nắng, mũ lưỡi trai,... thường có màu đỏ, cam hoặc vàng thể hiện cho sự phấn khích, vui vẻ hoặc màu xanh dương mang lại cảm giác mát mẻ và liên tưởng tới biển.

Hình ảnh

Nhãn mác bao bì thường in hình minh họa về sản phẩm để để truyền tải trải nghiệm về sản phẩm trước khi người mua thực sự sử dụng. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu thường lợi dụng hình minh họa để thể hiện phiên bản lý tưởng nhất của sản phẩm để thu hút khách hàng mặc dù sản phẩm bên trong thường không như vậy.

Hình ảnh in trên bao bì sản phẩm không giống với thực tế
Hình ảnh in trên bao bì sản phẩm không giống với thực tế

Xem thêm: Một số ví dụ về cách thiết kế hộp bao bì không hiệu quả (Phần 1)

Nguồn tham khảo: 99designs.com

5/5 (1 bầu chọn)