Skip to content

Một số ví dụ về cách thiết kế hộp bao bì không hiệu quả (Phần 1)

31 lượt đọc

Hộp bao bì là cầu nối giao tiếp giữa thương hiệu và người dùng và đôi khi thương hiệu đang tự làm xấu đi hình ảnh của mình khi không cân nhắc cẩn thận khi thiết kế hộp bao bì sản phẩm.

Phần lớn bao bì sẽ bị vứt đi sau khi sử dụng nên nhiều thương hiệu thường không chú trọng khâu thiết kế và sản xuất bao bì. Dù chỉ dùng một lần nhưng bao bì vẫn mang lại những lợi ích quan trọng như làm cho sản phẩm nổi bật, bảo vệ sản phẩm khỏi hư hỏng, tạo ấn tượng về chất lượng và tạo trải nghiệm đa giác quan cho khách hàng.

Bên cạnh đó, “đập hộp” cũng đã và đang trở thành một hiện tượng lan truyền phổ biến trên Internet, nguyên nhân xuất phát từ cảm giác vui sướng và thích thú khi mở hộp sản phẩm như khi mở một chiếc hộp hoặc túi đựng quà, tạo nên cảm giác tò mò và phấn khích cho người xem.

Mỗi phần của bao bì đều sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người nhận, từ thiết kế lớp giấy ngoài cùng, các loại tem nhãn cho đến lớp lót bên trong. Thậm chí còn có nhiều loại bao bì khác nhau và mỗi loại được thiết kế riêng cho một kiểu dáng hoặc tính chất sản phẩm cụ thể. Do đó việc lựa chọn và sản xuất bao bì phù hợp với thương hiệu thường không đơn giản và dễ dẫn đến những chiếc hộp bao bì không hiệu quả.

Kích thước và hình dáng không phù hợp

Lớp bao bì ngoài cùng có thể được sử dụng để bảo vệ sản phẩm và một hộp bao bì lớn có thể đựng được nhiều hộp sản phẩm nhỏ. Để thực hiện được hai chức năng này, khi sản xuất bao bì, các doanh nghiệp nên bàn bạc và nhận tư vấn của các công ty in ấn chuyên nghiệp để đảm bảo kích thước và hình dạng phù hợp với sản phẩm đựng bên trong.

Nếu hộp có kích thước và hình dạng không phù hợp (hộp rộng quá hoặc chật quá hoặc hình dạng không khớp với sản phẩm),sản phẩm bên trong có thể bị va đập hoặc trầy xước do ma sát với thành hộp. 

Hộp vận chuyển quá rộng

Hộp vận chuyển có nhiệm vụ thiết thực nhất so với những loại bao bì khác: tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và giữ cho sản phẩm không bị hư hỏng trong suốt quá trình này. 

Một vài doanh nghiệp thường lựa chọn hộp vận chuyển có kích thước rộng để đựng nhiều sản phẩm một lúc hoặc đựng các sản phẩm có kích thước lớn, tuy nhiên phần không gian trống nhiều có thể khiến sản phẩm bị dịch chuyển trong quá trình vận chuyển, dễ dẫn đến hỏng hóc và hư hại cho sản phẩm. Bên cạnh đó, hộp vận chuyển lớn cũng tốn nhiều chi phí hơn và khiến người nhận phải xử lý lượng rác thải lớn hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe và môi trường. 

Hộp vận chuyển quá rộng so với sản phẩm
Hộp vận chuyển quá rộng so với sản phẩm

Do đó, với hộp dùng cho vận chuyển, doanh nghiệp nên chọn hộp có kích thước vừa với sản phẩm, thêm các lớp bọc chống sốc, hạt đệm hoặc các biện pháp bảo vệ tương tự để tránh sản phẩm bị hư hại.

Hộp đóng gói sản phẩm gây nhầm lẫn

Hộp đóng gói sản phẩm thường là hộp đựng mà bạn thấy trên kệ trong cửa hàng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại thiết kế những chiếc hộp này gây hiểu nhầm cho khách hàng, chẳng hạn về kích thước, khối lượng, số lượng sản phẩm,...

Hộp bao bì gây hiểu nhầm về kích thước sản phẩm
Hộp bao bì gây hiểu nhầm về kích thước sản phẩm
Hộp bao bì gây hiểu nhầm về hình dạng sản phẩm
Hộp bao bì gây hiểu nhầm về hình dạng sản phẩm

Một số thương hiệu thậm chí đã lợi dụng các thiết kế gây nhầm lẫn để tăng doanh thu sản phẩm, chẳng hạn như sử dụng một chiếc hộp có kích thước lớn hoặc bố trí sản phẩm bên trong có chủ đích để khiến người mua nhầm tưởng về số lượng sản phẩm bên trong.

Hộp bao bì gây hiểu nhầm về số lượng sản phẩm
Hộp bao bì gây hiểu nhầm về số lượng sản phẩm

Tuy nhiên, theo các xưởng in lâu năm, phương pháp này chỉ nên được áp dụng 1-2 lần. Sản phẩm có thể bán được ở thời điểm hiện tại nhưng cảm giác bị lừa và phản bội sẽ đọng lại rất lâu trong thâm tâm người mua. Thiết kế và sản xuất bao bì gây nhầm lẫn không chỉ là không trung thực (và được cho là một hình thức quảng cáo sai sự thật) mà còn gây lãng phí và thậm chí gây phản cảm. Tương tự như những chiếc hộp vận chuyển, những chiếc hộp sản phẩm này thường bị vứt đi sau khi mua và tiềm ẩn các vấn đề về môi trường.

Chất đệm bên trong hộp không hiệu quả

Các chất đệm trong của hộp giấy nhằm mục đích bảo vệ sản phẩm trong quá trình di chuyển và khi được thiết kế một cách sáng tạo và cẩn thận, các chất liệu này có thể che phủ sản phẩm, giúp bảo vệ sản phẩm an toàn và góp phần mang lại trải nghiệm mở hộp thú vị cho người nhận. Các chất liệu được sử dụng phổ biến bao gồm bìa cứng, xốp, giấy và màng bọc bong bóng.

Việc thêm các chất đệm nhằm mục đích bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển nhưng nhiều doanh nghiệp thường chỉ sử dụng các chất liệu này cho các mặt hàng dễ vỡ và bỏ qua các sản phẩm có độ bền nhỉnh hơn. Tuy nhiên, kể cả với các sản phẩm có độ bền cao thì vẫn có thể bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển. Các mặt hàng bền hơn vẫn nên được thêm các chất đệm để cố định vị trí và giữ cho sản phẩm không bị rung lắc bên trong hộp.

Bên cạnh đó, tính không hiệu quả khi sử dụng chất đệm còn được thể hiện qua việc sắp xếp các chất đệm này không cẩn thận, không phân bổ hợp lý và cân bằng.

Ngoài ra, các loại chất đệm cũng gây ra nhiều vấn đề về môi trường, đặc biệt là các loại chất đệm được làm từ nhựa, cao su,... Do đó, các doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng các loại chất đệm có tính thân thiện với môi trường hơn như giấy, sợi nấm,...

Nguồn tham khảo: 99designs.com

5/5 (2 bầu chọn)