Skip to content

Cách chuẩn bị file in nhãn mác trước khi gửi cho xưởng in

1 lượt đọc

Hãy cùng lần lượt tìm hiểu cách chuẩn bị file thiết kế từ bản phác thảo cho tới khâu hoàn thiện cuối cùng trước khi gửi tới xưởng in.

Sở hữu bản thiết kế chỉ mới là bước khởi đầu trong hành trình tạo nên nhãn mác sản phẩm thật sự ấn tượng. Trước khi gửi file tới đơn vị in ấn chuyên nghiệp, đừng quên kiểm tra kỹ lưỡng bản thiết kế. Một file nhãn mác được chuẩn bị chỉn chu ngay từ đầu sẽ giúp quá trình in nhãn mác bao bì sẽ trở nên suôn sẻ hơn, tránh phát sinh lỗi, rút ngắn thời gian xử lý và đảm bảo chất lượng thành phẩm đạt mức tối ưu. 

Tìm hiểu yêu cầu từ xưởng in trước khi chuẩn bị file in

Trước khi bắt tay vào quá trình chuẩn bị file thiết kế, điều đầu tiên nên làm là chủ động trao đổi trực tiếp với đơn vị in ấn để nắm rõ những yêu cầu kỹ thuật cụ thể. Thông thường, các xưởng in chuyên nghiệp sẽ cung cấp bộ hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên cũng có một số điểm quan trọng cần được bàn bạc kỹ lưỡng từ đầu để tránh phát sinh lỗi không đáng có trong quá trình in nhãn mác bao bì.

Kích thước và kiểu dáng nhãn

Hãy xác định rõ kích cỡ và hình dáng của nhãn như hình tròn, vuông, bầu dục hay cắt theo hình đặc thù. Thiết lập file chuẩn xác theo đúng thông số kích thước và hình dáng mong muốn là điều bắt buộc để bản in cuối cùng được căn chỉnh đúng tỉ lệ.

Chất liệu in 

Tùy thuộc vào lựa chọn chất liệu như giấy bóng, giấy nhám, decal trong hay decal bảy màu, cấu trúc file thiết kế cũng cần được điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là về độ phân giải và cách xử lý màu sắc.

Phương pháp cắt

Trong trường hợp in nhãn mác có hình dạng độc lạ (ví dụ: in logo decal),nên hỏi trước xem xưởng in có áp dụng kỹ thuật cắt nào: die-cut hay kiss-cut. So với die-cut (kỹ thuật cắt xuyên hoàn toàn qua cả lớp nhãn và lớp đế để tạo ra từng chiếc tem, sticker hoặc nhãn mác tách rời) thì kiss-cut chỉ cắt phần nhãn phía trên mà giữ nguyên lớp đế bên dưới, giúp nhãn vẫn dính liền trên một tờ và dễ bóc khi cần sử dụng, vì vậy thường được ưu ái hơn trong các đơn hàng in nhãn mác bao bì số lượng lớn do thao tác nhanh và tiết kiệm thời gian hơn đáng kể.

Phân biệt die-cut với kiss-cut
Phân biệt die-cut với kiss-cut

Số lượng in 

Xác định rõ số nhãn cần in không chỉ hỗ trợ tính toán chi phí mà còn ảnh hưởng đến bố cục sắp xếp các nhãn trên file thiết kế sao cho tối ưu hóa diện tích. 

Căn chỉnh đúng kích thước thiết kế và chừa khoảng tràn khi in

Sau khi xác định được kích thước nhãn dán mong muốn, bước tiếp theo là thiết lập khung làm việc trên phần mềm thiết kế sao cho trùng khớp với số đo thực tế của nhãn. Phần lớn các đơn vị in tem nhãn hiện nay đều yêu cầu file thiết kế có vùng “bleed” – một khoảng tràn ra ngoài mép nội dung, được tính thêm vào bốn cạnh của nhãn. Khoảng không này sẽ bị cắt bỏ trong quá trình hoàn thiện, nhưng lại giữ vai trò như một lớp đệm để bản in sau cùng không xuất hiện viền trắng xấu xí nếu họa tiết hoặc màu sắc được kéo sát ra rìa.

Các bước thực hiện:

  • Trước hết, cần thiết lập kích cỡ file thiết kế sao cho trùng với kích thước thực tế của nhãn. Ví dụ, nếu bạn dự định in nhãn mác bao bì có khổ 70 mm x 50 mm, thì khung thiết kế cũng phải được đặt chính xác như vậy.
  • Tiếp theo, nên cộng thêm mỗi bên 2-3 mm (tương đương 1/8 inch) để tạo phần tràn. Như vậy, tổng kích thước file cần chuẩn bị sẽ là 74 mm x 54 mm.

Cuối cùng, hãy vẽ một đường viền xác định vị trí mà xưởng in sẽ tiến hành cắt bỏ phần thừa. Đường này cần đặt đúng bằng khổ ban đầu của nhãn (70 mm x 50 mm) và nằm gọn bên trong vùng bleed.

Mọi thiết kế để xuất file in ấn đều cần chú ý phần bleed
Mọi thiết kế để xuất file in ấn đều cần chú ý phần bleed

Cài đặt độ phân giải phù hợp

Độ phân giải quyết định độ sắc nét và rõ ràng của thiết kế. Khi chuẩn bị file thiết kế nhãn mác, phải chọn độ phân giải đủ cao để đảm bảo rằng thiết kế sẽ được in rõ ràng và đúng như dự định.

  • Đảm bảo cài đặt độ phân giải của file lên 300 DPI (dots per inch). Đây là độ phân giải tiêu chuẩn cho in ấn chất lượng cao và sẽ giúp thiết kế của bạn sắc nét đến từng chi tiết.
  • Nếu trong thiết kế nhãn có sử dụng logo hoặc ảnh, hãy chắc chắn rằng chúng có độ phân giải cao và là file vector (300 DPI) nếu có thể. Các hình ảnh độ phân giải thấp (Raster 72 DPI) sẽ luôn bị mờ hoặc vỡ hình khi in ra, ảnh hưởng đến chất lượng và tính chuyên nghiệp của nhãn mác bao bì.

Chọn chế độ màu CMYK

Để hình ảnh và màu sắc khi in tem nhãn đạt được độ chuẩn xác về màu gần nhất so với thiết kế, cần thiết lập chế độ màu ngay từ đầu. Phần lớn các dịch vụ in ấn sử dụng hệ màu CMYK để hạn chế tối đa sai lệch giữa bản thiết kế và sản phẩm in thực tế.

- Nếu thiết kế ban đầu được tạo trên hệ màu RGB – vốn dành cho thiết bị hiển thị kỹ thuật số như màn hình – thì nên nhớ chuyển toàn bộ tài liệu sang chế độ CMYK trước khi gửi đến xưởng in nhãn mác.

- Trong trường hợp thiết kế nhãn có sử dụng màu thương hiệu đặc trưng, hãy chỉ định chính xác mã màu đó trong file. 

Nhúng hoặc chuyển đổi phông chữ

Để hạn chế tối đa lỗi hiển thị không mong muốn trong quá trình in, nên xử lý phông chữ cẩn thận trước khi gửi file đến xưởng in. Có hai cách phổ biến để đảm bảo phông chữ không bị thay đổi ngoài ý muốn: nhúng trực tiếp vào file hoặc chuyển toàn bộ thành định dạng vector.

- Nhúng phông chữ: Khi thiết kế chứa nhiều đoạn văn bản hoặc sử dụng font đặc biệt, nên nhúng toàn bộ font vào tài liệu. Việc này giúp giữ nguyên định dạng chữ khi mở trên bất kỳ máy nào, ngay cả khi thiết bị của xưởng in không cài đặt font tương tự.

- Chuyển phông chữ sang vector: Một phương pháp khác là chuyển chữ thành dạng đường nét vector. Đối với phần mềm như Adobe Illustrator, thao tác này rất đơn giản:

  • Chọn phần chữ cần xử lý.
  • Vào menu Type → chọn Create Outlines.
  • Lưu file dưới định dạng PDF.

Cách này sẽ biến toàn bộ nội dung văn bản thành hình khối vector, tránh rủi ro lỗi font. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, nội dung văn bản sẽ không còn chỉnh sửa được nữa, do đó nên lưu riêng một bản gốc có thể chỉnh sửa để dự phòng khi cần thay đổi nội dung về sau.

Cách lưu file có toàn bộ font lạ thành 1 folder rồi gửi cho xưởng in
Cách lưu file có toàn bộ font lạ thành 1 folder rồi gửi cho xưởng in

Sắp xếp lớp thiết kế hợp lý 

Khi triển khai những mẫu thiết kế có mức độ phức tạp cao, đặc biệt là những layout chứa nhiều hình ảnh, chi tiết minh họa hay nội dung văn bản, tổ chức bố cục file một cách khoa học sẽ không chỉ hỗ trợ cho quá trình thao tác mà còn giúp xưởng in xử lý chính xác hơn.

- Phân lớp hợp lý: Nên sử dụng hệ thống layers để tách riêng từng nhóm yếu tố, ví dụ: nền, chữ, hình ảnh, họa tiết trang trí. Nhờ đó, khi cần chỉnh sửa một phần nhỏ, bạn không phải ảnh hưởng đến toàn bộ bố cục tổng thể. Đồng thời, người kiểm file bên xưởng in cũng dễ nhận diện từng phần rõ ràng hơn nếu cần hỗ trợ chỉnh sửa trước khi in nhãn mác.

- Vị trí các thành phần thiết kế: Những yếu tố mang tính thương hiệu như tên sản phẩm, logo, khẩu hiệu hoặc thông tin then chốt nên được đặt gọn trong khu vực an toàn (phần nằm cách mép cắt một khoảng đủ để không bị xén mất trong lúc thành phẩm). 

Lưu file đúng định dạng

Sau khi đã hoàn tất quá trình thiết kế và dàn bố cục hợp lý, bước tiếp theo là lưu file theo định dạng tối ưu để gửi đi in. 

  • PDF print (khác PDF Standard) luôn là phương án được ưu tiên hàng đầu bởi khả năng bảo toàn toàn bộ chi tiết như font chữ, hình ảnh vector và bố cục tổng thể. 
  • AI hoặc EPS là những định dạng lý tưởng cho thiết kế mang tính vector, đặc biệt khi trong file có chứa logo hoặc các yếu tố đồ họa cần độ sắc nét cao. Dạng file này cho phép phóng to tùy ý mà không mất chất lượng, đồng thời giữ nguyên hệ thống lớp (layers) đã phân chia.
  • TIFF hoặc PNG có thể phù hợp nếu thiết kế thiên về ảnh, hiệu ứng phức tạp hoặc có vùng trong suốt (transparent). 

Dù quá trình có hơi rối rắm, nhưng khi từng bước được chuẩn bị kỹ càng thì sản phẩm cuối cùng đều sẽ đạt độ sắc nét và chuyên nghiệp cao. Mọi khâu từ căn chỉnh kích thước, chọn đúng chế độ màu, đặt độ phân giải phù hợp cho đến lưu trữ định dạng đúng chuẩn, đều góp phần giúp tiết kiệm thời gian, tránh chi phí phát sinh và hạn chế sai sót khi đưa vào in ấn thực tế.

5/5 (1 bầu chọn)