Những yếu tố tạo nên thiết kế phông chữ kém bắt mắt
Một số yếu tố liên quan đến phông chữ khiến sản phẩm in ấn trở nên kém chất lượng bao gồm:
- Sử dụng quá nhiều phông chữ phổ biến: Các phông chữ mặc định trong các ứng dụng như Microsoft Word và bộ Adobe có thể phù hợp cho các tài liệu học tập, nhưng chúng thường quá đơn giản và không tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho các chiến dịch marketing.
- Phông chữ nhàm chán: Một số phông chữ không tạo được điểm nhấn. Để truyền đạt đúng sắc thái và cá tính, việc chọn phông chữ phù hợp là rất quan trọng và cũng rất khó thực hiện, vì vậy nhiều thương hiệu chọn làm việc với các nhà thiết kế phông chữ chuyên nghiệp.
- Không phù hợp với mục đích sử dụng: Ví dụ, phông chữ sử dụng trong truyện tranh hoặc poster phim thường sẽ không phù hợp làm tiêu đề thư công ty hay các tài liệu kinh doanh khác.
- Khoảng cách chữ không hợp lý: Khoảng cách giữa các ký tự quá rộng hoặc quá hẹp không chỉ làm giảm khả năng đọc mà còn khiến thương hiệu của bạn trông thiếu chuyên nghiệp và chưa được đầu tư kỹ lưỡng.
Những phông chữ không thích hợp dùng trong in ấn bao bì sản phẩm và tài liệu marketing
Brush Script
Đây là một phông chữ có phong cách viết tay giống như nét cọ mực. Mặc dù một số người có thể cảm thấy hoài cổ với kiểu chữ quen thuộc này, nhưng phông chữ này thường chỉ phù hợp cho một số loại sản phẩm nhất định. Đa số sẽ cảm thấy nó kém chất lượng, lỗi thời và rối mắt khi in trên không gian hạn chế.
Arial
Arial từng là phông chữ mặc định trong Microsoft Word, nhưng nhà phát triển đã thay thế nó bằng Calibri trong Office 2007. Phông chữ này có thể chấp nhận cho các tài liệu nội bộ, nhưng vì được sử dụng nhiều và trở nên quá phổ biến, Arial là một lựa chọn kém hiệu quả cho việc xây dựng thương hiệu và tài liệu marketing của công ty.
Times New Roman
Phông chữ Times New Roman cỡ 12 dường như là lựa chọn mặc định cho các loại văn bản và vì vậy nó là một trong những phông chữ bị sử dụng quá nhiều. Sự phổ biến này làm cho Times New Roman trở nên nhàm chán và thiếu sự sáng tạo, nhất là khi có nhiều phông chữ hiện đại và thẩm mỹ hơn để lựa chọn.
Calibri
Cũng như Arial và Times New Roman, Calibri là một phông chữ rất phổ biến và là phông chữ mặc định trong Microsoft Office, khiến tài liệu in của bạn trông có vẻ không được đầu tư và không chuyên nghiệp.
Comic Sans
Comic Sans xuất hiện từ năm 1994 và được lấy cảm hứng từ kiểu chữ trong truyện tranh. Các công ty in ấn trên toàn thế giới thường không ưa chuộng kiểu chữ này vì khó đọc, không tạo nên hiệu quả thị giác cao.
Papyrus
Papyrus đã được sử dụng quá mức đến mức khán giả có thể phản ứng tiêu cực với tài liệu marketing in ấn bằng kiểu chữ này. Nó đã được cài sẵn trong Microsoft Word và hiện nay là một trong những phông chữ bị sử dụng nhiều nhất. Nội dung bao bì và tài liệu marketing cần sự độc đáo, mới lạ và đó là lý do nên tránh phông Papyrus trong các sản phẩm in ấn của bạn.
Copperplate Gothic
Copperplate Gothic lấy cảm hứng từ các bản khắc thời La Mã cổ đại và in ấn thời kỳ Victoria. Ngày nay, đây là một kiểu chữ lỗi thời có thể khiến người đọc cảm thấy nhàm chán và khó đọc.
Trajan Pro
Trajan Pro là một phông chữ mang lại cảm giác chuyên nghiệp nhưng lại bị sử dụng quá nhiều. Từ bìa sách đến poster phim, kiểu chữ này xuất hiện ở khắp mọi nơi, khiến nó không phải là lựa chọn tối ưu khi in bao bì hoặc các tài liệu marketing nếu bạn quan tâm đến sự độc đáo, khác biệt cho thương hiệu của mình.
Courier
Phông Courier phù hợp cho các tài liệu như kịch bản, mã nguồn và văn bản đơn giản, nhưng khi nói đến công việc in ấn cho mục tiêu bán hàng, marketing, kiểu chữ này có tỉ lệ các ký tự không đồng đều, khiến nó trở thành một lựa chọn kém hiệu quả. Phông chữ này lấy cảm hứng từ máy đánh chữ cổ điển nên đôi khi không phù hợp với tài liệu in ấn hướng tới thế hệ Millennials và Gen Z.
Lucida Calligraphy
Phông chữ Lucida Calligraphy thường không phù hợp cho in ấn vì nó có nhiều chi tiết và ký tự phức tạp, khiến nó chiếm nhiều không gian hơn và làm cho thông điệp không rõ ràng. Đặc biệt khi in ở kích thước nhỏ, phông chữ này rất khó đọc, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp thị của ấn phẩm.
Verdana
Được phát hành vào năm 1996, Verdana nhanh chóng trở thành một lựa chọn phổ biến thay thế cho Arial, nhưng đối với các công ty in ấn, nó là một trong những phông chữ không đẹp mắt và kém phù hợp cho các ấn phẩm tiếp thị. Verdana có các nét chữ rộng và khoảng cách lớn giữa các ký tự, giúp cải thiện khả năng đọc khi hiển thị trên màn hình máy tính. Tuy nhiên, khi in trên giấy, những đặc điểm này có thể làm cho văn bản trông thô và không tinh tế, ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp và tính thẩm mỹ của tài liệu.
Những yếu tố tạo nên một phông chữ phù hợp cho in ấn bao bì sản phẩm và công cụ marketing
Việc lựa chọn phông chữ có thể quyết định sự thành công hoặc thất bại của thương hiệu hoặc chiến dịch quảng cáo. Vì vậy, từ biển hiệu, giấy tờ gửi cho đối tác hoặc khách hàng, cho đến nhãn mác sản phẩm, tất cả sản phẩm in ấn của bạn cần có một phông chữ độc đáo và đồng bộ. Những phông chữ phù hợp không chỉ có ưu điểm về mặt thẩm mỹ mà còn truyền tải cảm xúc, tâm trạng, sự chuyên nghiệp và cá tính của thương hiệu.
Khách hàng của bạn cần phải lập tức nhận được thông điệp từ các ấn phẩm in ấn chỉ sau một lần đọc. Với sự cạnh tranh khốc liệt trong nhiều ngành nghề, phông chữ hấp dẫn về mặt thẩm mỹ mà không làm giảm khả năng đọc hiểu trên bao bì sản phẩm và các ấn phẩm marketing sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bạn.
Khi chọn phông chữ cho in ấn, hãy chú ý đến tính đồng nhất giữa các chữ, số và tất cả các ký tự đặc biệt cũng như khoảng cách chữ hợp lý. Tránh các kiểu chữ lỗi thời và lựa chọn các phông chữ hiện đại như phông chữ không chân (phông họ sans-serif) để tạo nên một diện mạo mới mẻ và phù hợp.
Những phông chữ phù hợp nhất cho in ấn bao bì và ấn phẩm marketing
Phông chữ là một trong những yếu tố liên quan chặt chẽ đến nhận diện thương hiệu, khi chọn phông chữ in ấn bạn cần quan tâm đến bộ tài liệu/hồ sơ thương hiệu (thường được do các đơn vị tư vấn thương hiệu ban hành cùng với việc thiết kế logo) trong doanh nghiệp của bạn. Khi hồ sơ thương hiệu có nêu tên phông cụ thể thì cần chọn phông chữ đã được thống nhất để yếu tố nhận diện thương hiệu trong các ấn phẩm marketing/quảng cáo được nhất quán. Khi doanh nghiệp của bạn chưa có bộ nhận diện thương hiệu thì bạn có thể lựa chọn các phông chữ khác biệt chúng tôi sẽ nêu dưới đây.
Avenir
Avenir, ra đời từ năm 1988, là một trong những phông chữ đặc biệt và hiệu quả nhất được các công ty in ấn khuyên dùng. Phông chữ không chân này rất phổ biến trong xây dựng thương hiệu công ty nhờ tính dễ đọc.
Futura
Futura có kiểu dáng tròn trịa, khiến nó trở thành một lựa chọn hoàn hảo cho việc in ấn. Phông chữ này lấy cảm hứng từ phong cách thiết kế Bauhaus của Đức, với hình dạng chữ mỏng giúp dễ đọc. Futura cũng tạo cảm giác sạch sẽ và chuyên nghiệp, thích hợp cho việc in ấn các tài liệu quảng cáo như in poster, in catalogue,...
Helvetica
Ra đời từ năm 1957, Helvetica là một trong những phông chữ được sử dụng nhiều trong trình bày và tài liệu kinh doanh. Thiết kế gọn gàng của phông chữ này phù hợp với các ấn phẩm in ấn cần thông tin chi tiết như in bao bì, in brochure,...
Garamond
Garamond là phông chữ có chân lý tưởng cho tài liệu in ấn nhờ vào sự thanh lịch và dễ đọc của nó. Vì thế, nó đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều công ty in ấn để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.
Tahoma
Là một phông chữ không chân phổ biến khác với các nét chữ đơn giản và đồng nhất, Tahoma được phát triển cho Microsoft. Nó có kiểu dáng hiện đại, mang đến một nét tinh tế cho sản phẩm in ấn của bạn nhưng vẫn giữ được sự chuyên nghiệp.
Swiss
Lấy cảm hứng từ phong cách Thụy Sĩ, phông chữ Swiss nổi bật với sự gọn gàng, dễ đọc và khách quan. Thiết kế dựa trên khung lưới của phông chữ này đảm bảo khoảng cách giữa các ký tự bằng nhau, tăng tính dễ đọc và dễ in ấn.
Cambria
Cambria là một phông chữ có chân dễ đọc trong in ấn nhờ vào khoảng cách và tỷ lệ đồng đều giữa các ký tự.
Didot
Didot là phông chữ có chân theo phong cách Tân Cổ điển, được đặc trưng bởi các nét thanh nét đậm và các chân chữ phẳng không có gờ. Đây là một trong những phông chữ phổ biến nhất cho in ấn và tiếp thị, được các thương hiệu nổi tiếng như Giorgio Armani, Zara, Hilton, Dior, Yves Saint-Laurent và Guess sử dụng.
Georgia
Được ra mắt vào năm 1993, Georgia là một phông chữ có chân kết hợp hoàn hảo giữa sự thanh lịch và tính dễ đọc, khiến nó trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho việc in ấn. Đây là một phông chữ mang cảm giác vui nhộn và hiện đại, rất thích hợp cho việc xây dựng thương hiệu.
Phông chữ hiện đại hỗ trợ tiếng Việt có dấu
Ngoài ra, để quá trình triển khai những ấn phẩm marketing, tài liệu số như website được nhất quán với phông chữ bạn đã từng chọn, bạn cũng nên xem xét để chọn các phông chữ dễ triển khai hơn, có thể tìm kiếm và tải về tại: https://fonts.google.com/?lang=vi_Latn
Ví dụ: Open Sans, Bungee Tint, Inter, Noto Sans,...
Để chọn phông chữ phù hợp nhất cho dự án in ấn chất lượng cao, hãy cân nhắc các yếu tố như tầm nhìn sứ mệnh, đối tượng khách hàng mục tiêu, tính dễ đọc, sự hiện đại và cá tính của thương hiệu bạn. Một phông chữ phù hợp là một phông chữ có thể kết hợp hoàn hảo giữa thẩm mỹ và chức năng. Ngược lại, phông chữ kém chất lượng thường trông lỗi thời, thiếu chuyên nghiệp và không phản ánh đúng chất riêng của thương hiệu bạn.
Nguồn: banana-print.co.uk