Skip to content

Phân biệt cán mờ và cán bóng trong in ấn bao bì

35 lượt đọc

Cán mờ và cán bóng là 2 kỹ thuật tạo ra những hiệu ứng đặc biệt trên bề mặt của bao bì và có thể ảnh hưởng đến cảm nhận và trải nghiệm của người dùng theo những cách khác nhau.

Cán mờ và cán bóng

Kỹ thuật cán màng nói chung

Trong ngành in ấn, cán màng là quá trình phủ một lớp màng nhựa trong suốt lên bề mặt vật liệu làm bao bì sản phẩm để tăng độ bền và độ bảo vệ của sản phẩm đó. Lớp màng này thường được áp dụng cho một hoặc cả hai mặt của sản phẩm, tạo ra một lớp bọc bảo vệ cho sản phẩm. Không chỉ bảo vệ khỏi những vết bẩn và vết trầy xước, lớp màng này còn giúp loại bỏ những hư hỏng như rách, vết ố và độ ẩm có thể tác động không tốt đến sản phẩm.

Cán màng giúp màu sắc của bao bì sản phẩm của bạn trở nên nổi bật hơn và dễ dàng thu hút sự chú ý. Do đó, nó thường được các xưởng in sử dụng trên những sản phẩm được sử dụng thường xuyên và phải tiếp xúc nhiều điều kiện môi trường bên ngoài.

Cán bóng

Cán bóng mang đến một diện mạo sáng bóng hơn, có khả năng phản chiếu ánh sáng và tăng cường sự sống động của màu sắc in trên bao bì. Kỹ thuật này thường được các công ty in ấn sử dụng cho các sản phẩm marketing như catalogue sản phẩm, brochure, in tờ rơi,... vì nó giúp tăng thêm sự tinh tế và chuyên nghiệp cho các sản phẩm này. 

Cán bóng
Cán bóng

Cho dù xưởng in sử dụng màu mẫu màu CMYK hay RGB, màu sắc in ra sẽ trở nên rõ ràng và sống động hơn khi được cán bóng. Do đó, cán bóng thường được áp dụng cho những sản phẩm cần tập trung vào sự nổi bật và thu hút.

Cán mờ

Trái ngược với cán bóng, cán mờ tạo ra một diện mạo mềm mại và tự nhiên hơn cho bao bì sản phẩm nhờ khả năng hấp thụ ánh sáng và vẫn đảm bảo độ dễ đọc. Màu sắc không được sáng sủa và tương phản rõ rệt như trên bao bì được cán bóng, bao bì cán mờ thường tập trung vào sự tinh tế và mềm mại.

Cán mờ cũng có cấu trúc vật liệu mềm, khi cán lên bề mặt hộp hoặc túi giấy sẽ tạo cảm giác vô cùng mịn màng khi chạm vào, đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo vệ cho bao bì sản phẩm.

Ưu và nhược điểm của từng loại

Cán mờ

Ưu điểm:

  • Vết trầy xước và trầy xước trên lớp cán màng mờ ít được nhận thấy hơn so với cán bóng.
  • Mang lại diện mạo sang trọng, nhẹ nhàng, kín đáo và tạo cảm giác chất lượng cao hơn.
  • Khả năng tiếp nhận mực tốt và có thể tẩy được sau khi viết lên.
  • Cán mờ ngăn chặn ánh sáng phản chiếu, giảm bớt độ chói lóa.
Cán mờ giúp giảm độ phản chiếu
Cán mờ giúp giảm độ phản chiếu

Nhược điểm: Cán mờ làm tăng độ tối của hình ảnh và nền từ 8 đến 10% nên các thiết kế trên sản phẩm cán mờ cần được điều chỉnh độ sáng tối một cách hợp lý. Khi thiết không được thực hiện một cách cẩn thận, sản phẩm sẽ khó nổi bật trên kệ hàng, đặc biệt khi xếp cạnh các loại bao bì được cán bóng.

Cán bóng

Ưu điểm:

  • Độ bảo vệ tốt hơn so với cán mờ.
  • Khó bám bẩn, bụi và dấu vân tay. Nếu bị bám bẩn, người dùng có thể dễ dàng loại bỏ các loại bụi bẩn này trên bề mặt cán bóng
  • Bề mặt bóng sáng, khiến hình ảnh và màu sắc sống động hơn, tạo ấn tượng mạnh mẽ và dễ tạo cảm giác về sản phẩm chất lượng cao. 

Nhược điểm

  • Bề mặt bóng có thể làm nổi bật những phần bị móp méo, vết lõm và các khuyết điểm khác trên bao bì.
  • Bề mặt bóng thường ít tiếp nhận mực nên khá khó để viết lên.
  • Đặc điểm phản chiếu ánh sáng của cán bóng khiến chúng không được ưu tiên sử dụng cho sản phẩm được sử dụng hoặc bày bán ngoài trời. Độ chói lóa từ lớp cán bóng có thể gây chói mắt, khó xem và đọc được thông tin trên bao bì.

Ứng dụng của cán mờ và cán bóng

Bạn nên sử dụng cán mờ trong những trường hợp như:

  • Sản phẩm của bạn sẽ được đặt dưới ánh sáng trực tiếp. Điều này giúp loại bỏ độ chói lóa khi ánh nắng chiếu lên bao bì, đồng thời làm cho bao bì dễ đọc từ xa.
  • Quy trình xử lý sản phẩm có nhiều công đoạn. Do đó, đôi khi việc xuất hiện các điểm móp méo và trầy xước là không thể tránh khỏi. Khi đó, các công ty in ấn thường sử dụng cán mờ để khiến người tiêu dùng ít chú ý đến những khuyết điểm này hơn.
  • Bạn muốn sản phẩm của mình trông tinh tế, chuyên nghiệp và thanh lịch.
  • Bạn sử dụng các màu sắc tối hoặc có tone trầm.

Khi nào nên sử dụng cán bóng:

  • Sản phẩm bán lẻ có thể sẽ không được xử lý một cách cẩn thận trong quá trình vận chuyển và bày bán hoặc phải vận chuyển xa. Lớp cán bóng có độ bảo vệ cao hơn so với cán mờ, nên bao bì được cán bóng có độ chống chịu tốt hơn. Trong trường hợp dính bụi bẩn, bao bì cán bóng cũng dễ làm sạch hơn. Bạn có thể bắt gặp lớp cán bóng phổ biến trên các sản phẩm ngoại nhập hoặc xuất khẩu, thậm chí một số loại thùng carton đựng sản phẩm này cũng có thể được cán bóng.
  • Bạn muốn màu sắc nổi bật và không bị ảnh hưởng bởi độ chói lóa của bao bì.
Sử dụng cán bóng khi muốn làm nổi bật màu sắc của bao bì
Sử dụng cán bóng khi muốn làm nổi bật màu sắc của bao bì
  • Bạn muốn tiết kiệm chi phí. Thông thường, cán bóng có chi phí rẻ hơn cán mờ (trừ khi bạn có yêu cầu đặc biệt cho xưởng in hoặc công ty in ấn mà bạn hợp tác cung cấp cả hai loại cán mờ và cán bóng miễn phí).

Cán mờ và cán bóng: Nên chọn loại nào?

Để biết mình nên chọn cán bóng hay cán mờ, bạn nên dựa theo yêu cầu và mong muốn của mình đối với bao bì và sản phẩm của mình, chẳng hạn như tính bền vững, chi phí, cách sản phẩm được trưng bày, ấn tượng bạn muốn tạo ra với khách hàng,...

Các lợi ích tự nhiên như đã nêu trên của cả hai loại cán màng cũng có thể được coi là nhược điểm tiềm ẩn, tùy thuộc vào loại diện mạo bạn muốn thể hiện.

Với kiểu diện mạo mềm mại, sang trọng và tối màu, cán mờ có thể khiến một số màu sắc và thiết kế trở nên nhạt nhòa đi. Hoặc những hình ảnh với gam màu sáng cũng có thể trông quá rực rỡ và rối mắt khi được áp dụng cán bóng. Những rủi ro này có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân chẳng hạn như cường độ màu, mật độ văn bản và chi tiết trên bao bì, tỉ lệ của hình ảnh, cách kết hợp màu sắc, chất liệu bao bì hay kỹ thuật in (in kỹ thuật số hoặc in offset). 

Để đảm bảo bao bì in ra có thiết kế và diện mạo tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến và tư vấn của các công ty in ấn chuyên nghiệp về thiết kế và hoàn thiện, đồng thời trao đổi thêm với xưởng in về việc in thử bản mẫu để dễ đánh giá và sửa đổi hơn.

 

Nguồn tham khảo: refinepackaging.comhalfpricepackaging.com

5/5 (1 bầu chọn)