1. Tính toán lượng carbon trong quá trình vận chuyển
Hiện nay, các công ty có thể sử dụng các công cụ phần mềm hiện đại hoặc hợp tác với bên thứ ba để theo dõi chi tiết lượng nhiên liệu tiêu thụ, quãng đường vận chuyển và loại phương tiện được sử dụng trong quá trình phân phối bao bì sản phẩm.
Kết quả từ quá trình này giúp xác định "dấu chân carbon" (carbon footprint) - lượng khí carbon thải ra bởi hoạt động của con người - của từng lô hàng, từ đó tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, lựa chọn phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hoặc sử dụng phương tiện vận tải xanh (như xe điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sinh học).
Ngoài ra, dữ liệu này cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong tính toán mua tín chỉ carbon (carbon credit) để bù đắp khí thải, từ đó khẳng định cam kết phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng có ý thức về môi trường.
2. Phân phối số lượng lớn
Phân phối sản phẩm số lượng lớn là một giải pháp bền vững trong sản xuất và phân phối bao bì thân thiện với môi trường. Bằng cách vận chuyển lượng hàng lớn trong một lần, doanh nghiệp có thể giảm tần suất vận chuyển, từ đó giảm lượng khí thải carbon và tiết kiệm tài nguyên.
Phương pháp này cũng hạn chế việc sử dụng bao bì không cần thiết, giúp giảm thiểu rác thải nhựa và các vật liệu khó phân hủy. Đồng thời, nó còn tối ưu chi phí vận chuyển, mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường, tạo sự ủng hộ từ người tiêu dùng yêu thích các giải pháp “xanh”.
3. Bao bì có thể phân hủy sinh học
Bao bì phân hủy sinh học đang ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến trong sản xuất bao bì bền vững. Các vật liệu này có khả năng phân hủy trong môi trường tự nhiên, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ hệ sinh thái. So với bao bì truyền thống, bao bì phân hủy sinh học tạo ra “dấu chân carbon” thấp hơn, vì chúng không cần quá trình tái chế phức tạp và ít gây hại khi thải bỏ.
Các loại bao bì phân hủy sinh học bao gồm các loại bao bì từ giấy hoặc bao bì được làm từ chất liệu có thể ăn được (sẽ nêu ở phần sau). Đây là giải pháp lý tưởng cho các doanh nghiệp cam kết giảm thiểu chất thải nhựa và hướng tới phát triển bền vững.
4. Chương trình trả lại bao bì
Chương trình khuyến khích khách hàng trả lại bao bì để tái chế hoặc tái sử dụng là một sáng kiến hiệu quả giúp giảm chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Phương pháp được áp dụng nhiều nhất ở các hãng bia, nước lọc tinh khiết và một số sản phẩm khác. Các công ty sẽ thu hồi bao bì đã sử dụng, sau khi trải qua một số khâu xử lý thì số bao bì này có thể tái sử dụng hoặc tái chế.
Chương trình này giúp các công ty không chỉ giảm thiểu tác động tới môi trường mà còn giúp tiết kiệm tài nguyên trong quá trình sản xuất. Đồng thời, nó cũng tạo cho khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu cảm giác họ đang đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, từ đó xây dựng lòng trung thành từ khách hàng và tạo danh tiếng cho thương hiệu trên thị trường.
5. Tái chế chất thải
Tái chế chất thải thành bao bì mới là một giải pháp hiệu quả trong việc giảm chất thải chôn lấp và góp phần bảo vệ môi trường. Sáng kiến này giúp tận dụng lại các vật liệu đã qua sử dụng, biến chúng thành bao bì thân thiện với môi trường, giảm thiểu nhu cầu sản xuất nguyên liệu mới. Các loại rác tài chế được chia làm bốn loại chính là giấy và thùng hộp carton; đồ nhựa; đồ thủy tinh; vật dụng bằng kim loại.
Ngoài lợi ích về môi trường, việc tái chế chất thải cũng thể hiện sự đổi mới và cam kết của doanh nghiệp đối với tính bền vững, đồng thời thu hút khách hàng quan tâm đến các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường.
6. Nhựa sinh học
Nhựa sinh học được làm từ nguồn nguyên liệu thực vật như ngô và mía. Vật liệu này đang ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng phân hủy sinh học và khả năng ủ phân. Loại nhựa này giúp giảm sự phụ thuộc vào nhựa từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nhựa sinh học có thể phân hủy nhanh chóng trong môi trường tự nhiên, hạn chế tác động lâu dài của rác thải nhựa.
7. Thiết kế bao bì có thể tái sử dụng
Bao bì với thiết kế có thể sử dụng nhiều lần và thậm chí cho những mục đích khác nhau là một giải pháp bền vững giúp giảm thiểu chất thải bao bì dùng một lần. Các công ty, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng, đang tập trung phát triển các loại bao bì bền chắc và dễ tái sử dụng, như hộp đựng thực phẩm hoặc túi vải.
Những bao bì này không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý các loại bao bì sử dụng một lần, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tối ưu về mặt thời gian và chi phí.
8. Bao bì dệt tự nhiên
Bao bì dệt tự nhiên làm từ các vật liệu như cotton, lanh và tre đang ngày càng được sử dụng phổ biến để thay thế bao bì tổng hợp. Những vật liệu này không chỉ dễ phân hủy mà còn có thể tái sử dụng nhiều lần, giúp giảm lượng rác thải nhựa.
Bao bì dệt tự nhiên phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu hiện nay, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm tự nhiên, không chứa quá nhiều thành phần hóa chất. Đây là lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
9. Bao bì ăn được
Bao bì ăn được là một giải pháp sáng tạo giúp giải quyết vấn đề chất thải bao bì bằng cách cung cấp các sản phẩm đóng gói có thể tiêu thụ được. Ý tưởng này được áp dụng phần lớn trong ngành thực phẩm, nơi lượng bao bì thải ra hàng ngày rất lớn. Một ví dụ khá nổi tiếng thực hiện ý tưởng này là công ty Good-Edi đã sản xuất loại cốc đựng cà phê có thể ăn được, không chứa nhựa và có thể phân hủy sinh học hoàn toàn.
Bao bì ăn được không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn loại bỏ hoàn toàn quy trình xử lý sau khi sử dụng. Các công ty có thể sử dụng nguyên liệu như rong biển, bột gạo hoặc tinh bột khoai tây để sản xuất bao bì ăn được, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm bền vững.
10. Bao bì có thể trồng được
Bao bì có thể trồng được sẽ có các hạt giống cây được tích hợp vào vật liệu sản xuất bao bì, hầu hết được áp dụng khi in bao bì túi giấy, hộp giấy. Sau khi sử dụng, người dùng có thể vùi phần bao bì chứa hạt giống xuống đất để hạt giống trong bao bì phát triển thành cây xanh.
Ý tưởng này giúp giảm thiểu chất thải và đóng góp tích cực cho môi trường. Đây là một giải pháp độc đáo không chỉ giúp tái sử dụng bao bì mà còn tạo ra giá trị lâu dài, khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào việc bảo vệ thiên nhiên và tạo ra những không gian xanh.
Nguồn tham khảo: ecobliss-retail.com