Skip to content

Gợi ý thiết kế nhãn mác bao bì thu hút và hiệu quả cho doanh nghiệp

57 lượt đọc

In nhãn mác bao bì hấp dẫn sẽ thu hút được đối tượng khách hàng mục tiêu và giữ được hiệu quả lâu dài. Khi in nhãn mác, bạn cần nghiên cứu thị trường, tổ chức thông tin một cách khoa học và cân nhắc các yếu tố đồ hoạ và thiết kế khác.

Xác định thị trường và khách hàng mục tiêu

Bạn cần xác định người mua của bạn là ai, là người như thế nào khi thiết kế nhãn mác bao bì cho sản phẩm của mình. Bạn cần quan tâm đến một số yếu tố như độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, lối sống, trình độ học vấn, thu nhập, giá trị và những nhu cầu của họ mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết. 

Bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng và lắng nghe phản hồi có liên quan của họ để bạn có thể tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Tính cá nhân hóa nói chung chính là sự khác biệt giữa các chiến dịch thành công và thất bại.

Một số thống kê liên quan:

  • 56% người tiêu dùng trở thành tín đồ của một thương hiệu “hiểu được họ” hoặc hiểu nhu cầu của họ và 89% chọn ủng hộ thương hiệu có chung định hướng và giá trị với họ.
  • 64% người mua thực phẩm chi nhiều hơn cho các sản phẩm có nhãn mác chứa các cụm từ như “tươi”, “không đường”, “ngũ cốc nguyên hạt” hoặc “hữu cơ”.

Nghiên cứu và khảo sát các đối thủ

Bạn có thể xem và so sánh các tài liệu và phương pháp tiếp thị của các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như nhãn mác, tờ rơi, thiết kế bao bì,... Bạn nên chú ý đến các yếu tố như màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh, kích thước, hình dạng và đối tượng mục tiêu mà các thương hiệu này nhắm đến. Người tiêu dùng thích và không thích điều gì ở nhãn mác của đối thủ? Họ bị thu hút bởi màu sắc hay các yếu tố thiết kế nào khác? Sự khác biệt chính giữa nhãn mác của bạn và của họ là gì? 

Nghiên cứu sản phẩm của đối thủ
Nghiên cứu sản phẩm của đối thủ

Hãy lưu ý những ưu điểm và nhược điểm trong cách tiếp thị thông qua in nhãn mác của đối thủ, bạn nên xem xét những điểm có thể học hỏi, những điểm cần tránh và những điểm mà mình có thể cải thiện khi in nhãn mác cho sản phẩm của mình. 

Xem xét các thông tin in trên nhãn mác

Kết cấu tổ chức thông tin

Đầu tiên, hãy liệt kê tất cả các chi tiết về sản phẩm mà bạn muốn người mua đọc được trên nhãn mác bao bì. Sau đó, sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng, trong đó tên sản phẩm và tên thương hiệu luôn được đặt ở trên cùng. 

Ví dụ, với bao bì của một sản phẩm là thực phẩm, logo thương hiệu, trọng lượng sản phẩm và các yếu tố đồ họa minh hoạ khác phải được in trên phần nhãn mác dán ở mặt trước của bao bì. Trong khi đó, hướng dẫn sử dụng, ngày hết hạn, thông tin liên hệ của công ty và những thông tin khác có thể xuất hiện ở mặt sau.

Trong ví dụ bên dưới, logo của thương hiệu, bao gồm tên thương hiệu và dòng giới thiệu ngắn nằm ở phần trên nhãn của nhãn mác. Tên sản phẩm xuất hiện ngay bên dưới logo của thương hiệu. Thành phần của nó được trình bày bằng phông chữ nhỏ hơn và nằm ở nửa dưới của nhãn mác. Trọng lượng tịnh và hướng dẫn bảo quản của sản phẩm được in ở cuối nhãn, với phông chữ cỡ nhỏ hơn nhiều.

Ví dụ về tổ chức thông tin hợp lý trên nhãn mác
Ví dụ về tổ chức thông tin hợp lý trên nhãn mác

Trong khi đó, phần nhãn phía sau có hướng dẫn sử dụng, thông tin liên hệ của công ty, xuất xứ và mã vạch.

Làm nổi bật các nội dung độc đáo và quan trọng

Tại sao khách hàng lại muốn mua sản phẩm của bạn thay vì một thương hiệu khác? Bước đầu tiên, như đã nêu ở trên, hãy nghiên cứu và xác định lợi thế cạnh tranh của bạn so với đối thủ và hãy nêu bật những điểm đó khi in nhãn mác bao bì của mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định rõ ràng nhu cầu và mong muốn của thị trường mục tiêu của mình. Bạn có thể chạy một cuộc khảo sát thông qua các kênh xã hội hoặc email để thu thập thông tin về khách hàng trước khi bắt đầu thiết kế và in ấn

Tìm hiểu xem những người tiêu dùng mà bạn đang nhắm tới đang gặp vấn đề gì và sản phẩm của bạn có thể giúp họ khắc phục chúng như thế nào. Sau khi phân tích phản hồi của họ, bạn sẽ liệt kê được các thông tin như tính năng, thành phần của sản phẩm khi in nhãn mác bao bì một cách rõ ràng và hiệu quả hơn. Bạn có thể cho người mua biết sản phẩm của bạn có thể đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ như thế nào.

Bao gồm các thông tin bắt buộc về mặt pháp lý

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp cần ghi thông tin trên nhãn mác hàng hoá một cách trung thực và rõ ràng. Đối với hàng hoá lưu thông tại Việt Nam thì những thông tin bắt buộc phải được ghi bằng tiếng Việt và với tên riêng thì không được viết tắt. 

Một số thông tin bắt buộc phải được ghi trên nhãn mác bao gồm: 

  • Tên hàng hoá
  • Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm
  • Xuất xứ hoặc nếu không xác định được xuất xứ thì cần ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng.
  • Một số thông tin khác được ghi trong Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP

Sử dụng ngôn từ và cách diễn đạt dễ hiểu

Yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng khách hàng mục tiêu. Bạn có thể thu thập thông tin và dữ liệu người dùng thông qua các kênh mạng xã hội hoặc nơi mà tệp khách hàng của bạn thường xuyên xuất hiện để chọn ra những cụm từ họ thường sử dụng. Trong đó, thực hiện những cuộc khảo sát khác nhau là một trong những cách mang lại hiệu quả nhanh và trực tiếp nhất.

Bên cạnh việc sử dụng ngôn từ dễ hiểu, các thương hiệu cũng cần đảm bảo tính trung thực về nội dung in nhãn mác sản phẩm. Trong một cuộc khảo sát người dùng thuộc lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Innova Marketing Insight, tính minh bạch là yếu tố được đông đảo người tiêu dùng mong muốn. Họ mong muốn phần nhãn mác bao bì sản phẩm cần có danh sách các thành phần đơn giản, chứng nhận và thông tin dinh dưỡng chuyên sâu.

Các loại mã theo dõi và kiểm tra chất lượng

Mã vạch là yếu tố giúp bạn theo dõi sản phẩm của mình trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, chúng còn là nơi để người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm, phân biệt hàng chính hãng và hàng giả, giúp bảo vệ người tiêu dùng, sản phẩm và thương hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể in tem 7 màu kết hợp vào nhãn mác hoặc dán lên nhãn mác để chống hàng giả.

Ngoài ra, mã QR cũng là một loại mã phổ biến được sử dụng để kết nối khách hàng và thương hiệu. Người dùng có thể quét mã QR để biết thêm thông tin về sản phẩm và thương hiệu hoặc các chương trình khuyến mãi.

Chất liệu của nhãn mác

Có một số yếu tố cần chú ý khi chọn loại chất liệu sử dụng khi in nhãn mác bao bì. Để chọn được loại chất liệu phù hợp, bạn nên trả lời các câu hỏi như: Bạn sẽ dán nhãn mác lên chất liệu nào: hộp carton, túi giấy Kraft, chai thủy tinh, hộp nhựa,...? Nó có màu đặc hay trong suốt? Và kích thước của nhãn mác so với bao bì như thế nào: nhỏ, to hoặc phủ kín? Khi trả lời được các câu hỏi này, bạn sẽ trao đổi lại với các đơn vị dịch vụ in ấn để chọn được chất liệu in nhãn mác phù hợp nhất. 

Lựa chọn chất liệu nhãn mác phù hợp với bề mặt dán
Lựa chọn chất liệu nhãn mác phù hợp với bề mặt dán

Sau khi hoàn thiện bước in nội dung trên nhãn mác, bạn có thể chọn các loại kỹ thuật gia công sau in như cán mờ hoặc cán bóng, in nhũ, dập nổi, dập chìm,... để tạo điểm nhấn cho những thông tin hoặc nội dung quan trọng.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc đến yếu tố môi trường khi chọn chất liệu in nhãn mác vì đây là yếu tố tác động rất lớn đến độ bền của chúng. Chẳng hạn như tia UV có thể làm mờ mực hoặc độ ẩm cao có thể khiến mực bị lem và thậm chí khiến tấm nhãn mác dễ bị rách. Nhãn mác của các sản phẩm đông lạnh sẽ cần loại chất kết dính đặc biệt, có thể sử dụng trong môi trường cấp đông.

Màu sắc

Màu sắc thường gắn liền với những phản ứng cảm xúc nhất định và theo nguyên tắc chung, màu sắc càng đậm thì thông điệp càng nghiêm túc và các màu sáng thường đại diện cho sự trẻ trung, vui nhộn:

  • Màu xanh lá cây: Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự tăng trưởng, khởi đầu mới, sức khỏe, thiên nhiên, hòa bình và sự giàu có. Gam màu tối hơn có thể ám chỉ sự khôn ngoan và thịnh vượng. Màu xanh lá cây được các công ty in ấn sử dụng phổ biến nhất trên nhãn mác của các thương hiệu thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một số công ty về đầu tư và tài chính cũng sử dụng màu xanh lá cây vì nó là màu tượng trưng của tờ tiền. Có thể kết hợp với xanh lam và vàng.
  • Màu xanh lam: Màu xanh lam có thể gợi lên cảm giác yên bình và cởi mở. Nhiều ngân hàng và công ty truyền thông sử dụng màu này trên nhãn mác sản phẩm hoặc các công cụ truyền thông vì nó thể hiện cho sự thông minh, bảo mật và độ tin cậy. Màu xanh làm cũng được sử dụng nhiều trên nhãn mác của các sản phẩm chất tẩy rửa nhà cửa vì nó mang lại cảm giác sạch sẽ, mát mẻ. Có thể kết hợp với xanh lá cây, vàng, đỏ và cam.
  • Màu đỏ: Màu đỏ toát lên sự phấn khích, ấm áp và mạnh mẽ. Gam màu đỏ sáng hơn tượng trưng cho cảm giác tràn đầy năng lượng trong khi các màu đỏ tía và tông trầm hơn tượng trưng cho sự sang trọng. Màu này được in nhiều trên nhãn mác của các thương hiệu thực phẩm và đồ uống. Có thể kết hợp với màu vàng, đen, xanh dương, trắng và xanh lá cây.
  • Màu đen: Màu đen gợi lên sự mạnh mẽ, tinh tế, trang trọng và huyền bí. Đây là sự lựa chọn phổ biến của các thương hiệu rượu và nến. Có thể kết hợp với màu trắng và vàng.
Nhãn mác màu đen mang lại sự tinh tế và huyền bí
Nhãn mác màu đen mang lại sự tinh tế và huyền bí
  • Màu cam: Màu cam cũng tỏa ra sức sống và cảm giác phiêu lưu nhưng nhẹ nhàng hơn một chút so với màu đỏ. Màu cam thể hiện cho sự tự tin, sáng tạo, thân thiện và đổi mới. Các thương hiệu công nghệ, thể thao, giải trí và trang trí nhà cửa thường sử dụng màu này cho bao bì nhãn mác sản phẩm của mình. Có thể kết hợp với màu xanh lam, đen và trắng.
  • Màu vàng: Màu vàng tượng trưng cho niềm vui, sự trong sáng, lạc quan và tuổi trẻ. Màu này được sử dụng cho các sản phẩm dành cho trẻ em, các sản phẩm tắm và chăm sóc cơ thể, nến và mật ong. Các nhà sản xuất cũng sử dụng màu vàng khi in decal cảnh báo hóa chất mạnh. Có thể kết hợp với màu đỏ, xanh lam và đen.
  • Màu tím: Màu tím gợi lên sự cao quý, sang trọng và đầy tham vọng. Nó cũng gắn liền với tuổi trẻ, sự sáng tạo và yếu tố tâm linh. Nhãn mác màu tím có thể thấy trên sản phẩm của một số công ty khởi nghiệp sáng tạo, công ty đồ uống, một số sản phẩm chăm sóc da cao cấp và chống lão hóa. Có thể kết hợp với màu vàng, xanh lam (khi phối với tím đậm).
  • Màu hồng: Màu hồng là màu của sự lãng mạn, dịu dàng, thanh bình và huyền ảo. Rất nhiều thương hiệu in hộp đựng mỹ phẩm chăm sóc da và làm đẹp sử dụng màu này cho nhãn mác sản phẩm của mình. Có thể kết hợp với màu xanh lam (khi kết hợp với màu hồng baby),màu đen.
  • Màu trắng: Màu trắng tượng trưng cho sự đơn giản, sạch sẽ và ngây thơ. Nó cũng có thể khơi dậy cảm giác nhẹ nhàng hoặc tôn kính. Màu trắng được các thương hiệu dược phẩm, sức khỏe và sắc đẹp cũng như đồ gia dụng sử dụng rất phổ biến. Màu Trắng có thể kết hợp với hầu hết mọi màu sắc.
Nhãn mác màu trắng phán ánh sự đơn giản và nhẹ nhàng
Nhãn mác màu trắng phán ánh sự đơn giản và nhẹ nhàng
  • Màu xám: Màu xám biểu thị sự trung lập, cân bằng và chuyên nghiệp. Các công ty về thông tin, công nghệ, kiến trúc và giới công nghiệp rất ưa chuộng màu này. Có thể kết hợp với màu nâu.
  • Màu nâu: Màu nâu tạo cảm giác thoải mái và tin cậy. Các sản phẩm hữu cơ cũng như các nhãn hiệu trà, cà phê và sôcôla đều đưa màu nâu vào các công cụ tiếp thị của họ. Có thể kết hợp với màu tím, xám.

Phông chữ

Cũng giống như việc lựa chọn màu sắc, phông chữ bạn chọn cho nhãn mác cũng phải cộng hưởng với thông điệp thương hiệu của bạn. Các thương hiệu thường sử dụng chủ yếu bốn loại phông chữ cơ bản:

  • Sans serif: Những phông chữ này không có “chân”. Một vài ví dụ là Arial, Helvetica, Century Gothic và Corbel.
  • Serif: Đây là phông chữ truyền thống, có chân. Ví dụ bao gồm Times New Roman, Garamond, Georgia và Baskerville.
  • Slab serif: Mặc dù không phổ biến lắm nhưng những phông chữ này có phần chân dày và đậm, chẳng hạn như Rockwell, Memphis và Soho.
  • Script: Ví dụ về các phông chữ thảo hoặc phông chữ giống chữ viết tay gồm có Freestyle Script, Lavanderia và Yellowtail. Kiểu chữ hoa của các phông chữ này như Precious và Shathika có thể được sử dụng làm chữ cái đầu tiên của đoạn văn bản.
  • Display: Lấy cảm hứng từ các bảng hiệu và chữ thư pháp thủ công, phông chữ này được sử dụng chủ yếu làm tiêu đề. Algerian, Pinewood và Monoton là những ví dụ điển hình về phông chữ Display.

Để chọn được phông chữ thích hợp khi in nhãn mác bao bì sản phẩm của mình, bạn cần đảm bảo một số yếu tố như:

  • Phản ánh chất lượng của sản phẩm và tiếng nói thương hiệu. Bạn có thể chọn phông chữ đậm và to cho các sản phẩm quan trọng sự thú vị và giá cả phải chăng. Trong khi đó, phông chữ sạch sẽ, nhẹ nhàng, tinh tế hoặc trang trọng sẽ phù hợp với các sản phẩm cao cấp.
  • Thu hút đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn
  • Đáp ứng tiêu chuẩn quy định, trình bày rõ ràng lợi ích và hướng dẫn sử dụng sản phẩm
  • Kết hợp hài hoà với phần hình ảnh và các yếu tố đồ hoạ khác.
Lựa chọn phông chữ phù hợp với thương hiệu
Lựa chọn phông chữ phù hợp với thương hiệu

Sử dụng hình ảnh sắc nét

Khi chuẩn bị hình ảnh hoặc thiết kế để gửi cho các xưởng in, bạn nên chọn hình ảnh có độ phân giải (DPI) ít nhất là 300 pixel. Tránh kéo hình ảnh làm méo hình dạng của các đối tượng hoặc hình ảnh trên nhãn mác sẽ bị mờ sau khi in.

 

Nguồn tham khảo: refinepackaging.com

5/5 (1 bầu chọn)