Tại Việt Nam, việc xin giấy phép xuất bản sách là bước đầu tiên và thiết yếu trong quá trình này. Giấy phép xuất bản không chỉ là chứng nhận pháp lý cho phép in và phát hành sách mà còn đảm bảo rằng nội dung tác phẩm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và tuân thủ pháp luật hiện hành.
Nếu bạn là tác giả hoặc nhà xuất bản đang tìm hiểu cách thức để đưa tác phẩm của mình đến tay độc giả, hãy cùng khám phá những thông tin về các bước cần thực hiện để xin cấp phép cũng như các lưu ý quan trọng để đảm bảo rằng quá trình xuất bản diễn ra suôn sẻ và hợp pháp.
Điều kiện xin giấy phép xuất bản sách
1. Điều kiện về chủ thể
Điều 22 Luật Xuất bản 2012 quy định: “Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định.”.
Chỉ có các tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện sau đây mới được coi là nhà xuất bản và đủ điều kiện xin giấy phép:
- Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với hoạt động xuất bản.
- Có người đủ tiêu chuẩn theo quy định về xuất bản sách (Điều 17) để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc),tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu.
- Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;
Các cá nhân sẽ không thể trực tiếp xin giấy phép xuất bản mà phải thông qua một nhà xuất bản có giấy phép hoạt động. Việc cá nhân tự in sách với mục đích thương mại là vi phạm pháp luật. Các hành vi xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản đều bị nghiêm cấm.
2. Điều kiện về nội dung xuất bản
Theo quy định tại khoản 1, điều 10 Luật Xuất bản 2012:
- Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:
- a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
- b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
- c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Quy định xử phạt đối với hành vi xuất bản mà không đăng ký
Đối với những cá nhân, tổ chức cố tình thực hiện hoạt động in hoặc xuất bản tài liệu, sách không được cấp phép sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt đã được quy định tại khoản 4, điều 23, Nghị định 119/2020/NĐ-CP như sau:
"Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: xuất bản xuất bản phẩm nhưng không có xác nhận đăng ký xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh đối với từng xuất bản phẩm; Xuất bản, tái bản xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản, tái bản đối với từng xuất bản phẩm".
Nếu không muốn bị chịu các mức phạt như trên, bạn cần phải làm thủ tục với các nhà xuất bản để cho ra đời cuốn sách của mình theo đúng pháp luật.
Thủ tục và quy trình xin giấy phép xuất bản sách
1. Lựa chọn nhà xuất bản
Như đã đề cập, chỉ có nhà xuất bản được cấp phép hoạt động mới có thể xin giấy phép xuất bản. Do đó, việc lựa chọn đúng nhà xuất bản không chỉ đảm bảo tính pháp lý cho ấn phẩm của bạn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng và phạm vi phân phối sách sau khi xuất bản.
Để tìm được nhà xuất bản phù hợp, bạn cần xác định rõ:
- Cuốn sách của bạn thuộc lĩnh vực nào? (khoa học, giáo dục, kinh doanh, v.v.)
- Nội dung sách tập trung vào chủ đề gì? (kỹ năng sống, du lịch, v.v.)
Dựa trên những câu trả lời này, bạn có thể tìm kiếm những nhà xuất bản có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc xuất bản các loại sách tương tự. Ví dụ:
- Sách nghiên cứu khoa học: Nhà xuất bản Dân Trí, Nhà xuất bản Thế Giới.
- Sách giáo khoa và giáo trình: Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Tri thức.
- Sách thiếu nhi và truyện tranh: Nhà xuất bản Kim Đồng.
2. Chuẩn bị hồ sơ gửi cho nhà xuất bản
Hồ sơ xin cấp phép xuất bản sách phải đảm bảo đầy đủ, hợp lệ và chính xác theo quy định của pháp luật. Việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ sẽ giúp quá trình thẩm định diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Hồ sơ xin cấp phép xuất bản bao gồm:
01) Bản quyền tác phẩm:
Nếu là sách tự sáng tác, bạn cần Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp. Giấy chứng nhận này có giá trị trong suốt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Nếu là sách dịch thuật, bạn cần cung cấp Hợp đồng ủy quyền dịch thuật tác phẩm. Nếu tác giả là người nước ngoài, bạn cần Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm gốc.
Nếu là tái bản, chỉ cần nộp yêu cầu tái bản kèm theo số lượng in và giấy phép xuất bản trước đó.
02) Bản thảo sách:
Bạn phải gửi bản thảo dưới dạng in ra trên giấy A4 hoặc bản file PDF cho nhà xuất bản trước để xét duyệt. Bạn cần trình bày bản thảo một cách chuyên nghiệp, bao gồm đầy đủ thông tin như: tên tác giả, tên sách, tóm tắt nội dung, giới thiệu tác giả, v.v. Đặc biệt, bản thảo phải tuân thủ các điều kiện về nội dung như đã đề cập ở phần điều kiện.
03) Mẫu giấy phép xin xuất bản sách:
Tác giả cần cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu giấy phép xin xuất bản sách để nhà xuất bản hoàn thiện hồ sơ. Tham khảo mẫu giấy phép xin xuất bản sách sau:
3. Chờ kiểm duyệt
Sau khi tiếp nhận các hồ sơ, biên tập viên của nhà xuất bản sẽ tiến hành thẩm định nội dung bản thảo theo tiêu chuẩn xuất bản. Quá trình xét duyệt này thường mất khoảng từ 14 đến 20 ngày, tùy thuộc vào độ dài và phức tạp của sách. Quá trình này bao gồm:
- Sửa lỗi chính tả, ngữ pháp và dấu câu.
- Kiểm tra tính logic và mạch lạc của nội dung.
- Đảm bảo tính chính xác của thông tin và dữ liệu.
- Cân nhắc và điều chỉnh nội dung để phù hợp với định hướng của nhà xuất bản.
Trong quá trình xét duyệt, nếu có vấn đề nhà xuất bản sẽ thông báo cho bạn để cập nhật thông tin và điều chỉnh nếu cần thiết. Chính vì thế, bạn nên dành thời gian để kiểm tra bản thảo thật kỹ để tránh trường hợp nhà xuất bản yêu cầu bạn chỉnh sửa trong quá trình xét duyệt, gây lãng phí thời gian.
Nhà xuất bản khi kiểm duyệt nội dung thấy đáp ứng được quy định sẽ thực hiện đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định và nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng ký xuất bản.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông phải xác nhận đăng ký xuất bản bằng văn bản; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do
Văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định xuất bản. Thời hạn để ra quyết định xuất bản chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm xác nhận đăng ký; trường hợp không thực hiện việc xuất bản, nhà xuất bản phải báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 31 tháng 3 của năm liền sau.
Trong quá trình chờ cấp giấy phép, bạn cũng nên bắt đầu tìm kiếm các dịch vụ in ấn chất lượng cao uy tín, đảm bảo chất lượng sách sau in ấn và thời gian giao hàng đúng hẹn.
4. Nhận giấy phép, thiết kế bìa và in sách
Nếu tác phẩm của bạn được duyệt, nhà xuất bản sẽ gửi cho bạn Hợp đồng liên kết xuất bản và Giấy phép xuất bản.
Lúc này, bạn có thể bắt đầu thiết kế bìa sách. Ngoài việc thiết kế bìa sách ấn tượng về mặt thẩm mỹ, bìa trước của cuốn sách phải có đầy đủ các nội dung: tên sách, tên tác giả hoặc người biên soạn, người chủ biên (nếu có),họ tên người dịch (nếu là sách dịch); tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản.
Tiếp đến là quá trình in sách. Bạn sẽ cần gửi Giấy phép xuất bản cho nhà/xưởng in. Dựa vào giấy phép này, nhà in có thể bắt đầu tiến hành in sách, đảm bảo mọi thủ tục pháp lý đã được hoàn tất. Việc chọn một công ty in ấn chuyên nghiệp không chỉ đảm bảo về mặt kỹ thuật in ấn mà còn hỗ trợ bạn trong việc lựa chọn cách đóng gáy sách và chất liệu giấy in trang trong, trang bìa. Chẳng hạn, theo gợi ý từ các nhà in sách tại Hà Nội, bạn nên chọn bìa mềm cho những cuốn sách dưới 200 trang và in bìa cứng cho các cuốn sách dày hơn 200 trang.
5. Nộp lưu chiểu
Lưu chiểu là một quy trình quan trọng trong việc quản lý và bảo tồn các xuất bản phẩm, tức là bạn phải nộp các bản sao của xuất bản phẩm để được lưu giữ, đối chiếu, kiểm tra và thẩm định. Quy định này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ và duy trì kho tàng tri thức quốc gia mà còn đảm bảo rằng tất cả các ấn phẩm phát hành đều tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định pháp luật hiện hành. Ngay từ tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 18, trong đó quy định rằng tất cả các văn hóa phẩm trên toàn quốc Việt Nam đều phải thực hiện lưu chiểu. Sắc lệnh này đã đặt nền móng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa, giúp lưu giữ những tài liệu quan trọng cho các thế hệ tương lai, đồng thời làm phong phú thêm sự đa dạng và bản sắc văn hóa của quốc gia. Việc lưu chiểu không chỉ là một nhiệm vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm của các nhà xuất bản trong việc đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa và tri thức của đất nước.
Vì thế, sau khi hoàn thành việc in sách, bạn sẽ cần phải nộp lưu chiểu lên nhà xuất bản. Việc nộp lưu chiểu là một bước quan trọng để xác nhận rằng sách của bạn đã hoàn tất quá trình sản xuất và sẵn sàng phát hành ra thị trường.
Nhà xuất bản sẽ nộp một số bản lưu chiểu cho Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm duyệt. Trong thời gian ít nhất là 7 ngày, nếu không có phát sinh thêm vấn đề gì, nhà xuất bản sẽ phát hành lệnh chính thức để sách của bạn được phân phối ra thị trường.
Trong thời gian này, bạn nên chuẩn bị các kế hoạch tiếp thị và phân phối sách để đảm bảo sách được tiếp cận đến đối tượng độc giả mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm: nxbxaydung.com.vn và thuvienphapluat.vn